Sổ tay chuyển đổi số

Sổ tay này được dựng dựa trên các tài liệu sau:

  • Cẩm nang chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2021;
  • Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học ban hành kèm theo Quyết định số 4740/QĐ-BGDĐT ngày 06 tháng 12 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  • Đề án Chuyển đổi số Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2024-2030.

1.Các khái niệm

-Số hóa: Phương pháp biểu diễn thông tin trong thế giới thực (tiếng nói, chữ viết, …) thành dạng phù hợp để xử lý, lưu trữ trên máy tính (số nhị phân). Số hóa một tài liệu trên giấy là chuyển tài liệu ấy thành dạng có thể lưu trữ và xử lý trên máy tính.

-Tin học hóa: Là việc số hóa quy trình nghiệp vụ đã có (còn được gọi là ứng dụng công nghệ thông tin). Tin học hóa không làm thay đổi quy trình đã có hoặc mô hình hoạt động đã có. Khi tin học hóa ở mức cao, dẫn đến thay đổi quy trình hoặc thay đổi mô hình hoạt động, thì gọi là chuyển đổi số.

-Công nghệ số: Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, hiểu theo nghĩa hẹp, là một bước phát triển cao hơn, là bước phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn, xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn hơn, với chi phí rẻ hơn. Còn hiểu theo nghĩa rộng, công nghệ số là một trong các nhóm công nghệ chính của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với đại diện là công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo…

-Chuyển đổi số: Là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, dựa trên sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ số hiện nay.

-Sự khác nhau căn bản giữa chuyển đổi số và tin học hóa: Tin học hóa là số hóa quy trình đã có, theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp dịch vụ đã có. Chuyển đổi số là số hóa toàn bộ cả một tổ chức. Chuyển đổi số thay đổi quy trình mới, mô hình tổ chức mới, phương thức cung cấp dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ mới.

-Tại sao phải chuyển đổi số? Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn xảy ra và đang diễn ra. Mỗi cá nhân, tổ chức có thể tham gia hoặc đứng ngoài quá trình đó. Nếu đứng ngoài, khoảng cách giữa các tổ chức đã thực hiện và chưa thực hiện chuyển đổi số sẽ lớn lên rất nhanh.

Tương lai gần, các trường đại học đều sẽ phải chuyển đổi số, không thể đứng ngoài cuộc. Tùy vào tính chất, đặc trưng giữa các trường, chương trình đào tạo và ngành nghề mà quá trình chuyển đổi sẽ khác nhau. Trong chuyển đổi số, trường nào đi nhanh sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn.

-Chuyển đổi số trong giáo dục đại học:  Là quá trình chuyển đổi các mặt hoạt động của đại học truyền thống thành đại học số. Phát triển đại học số cần được xây dựng dựa trên khát vọng về nhu cầu tồn tại và năng lực cạnh tranh của cơ sở giáo dục đại học, trên cơ sở đánh giá chính xác những thách thức và khó khăn nhắm vào các nội dung trọng tâm: chuyển đổi số trong quản trị đại học, chuyển đổi số trong công tác đào tạo, chuyển đổi số trong công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ người học.

-Chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam:

Để thúc đẩy chuyển đổi số, đồng thời theo dõi khách quan, thực chất, công bằng kết quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học, ngày 30 tháng 12 năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học. Cấu trúc của Bộ chỉ số này gồm 2 nhóm tiêu chí thành phần như sau:

+ Nhóm tiêu chí “Chuyển đổi số trong đào tạo”

+ Nhóm tiêu chí “Chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục đại học”

Mức độ chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học được đánh giá theo từng nhóm tiêu chí thành phần, thang điểm 100, gồm 03 mức độ:

+ Mức chưa đáp ứng: Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí dưới 50. Ở mức này, cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng các yêu cầu cơ bản về triển khai chuyển đổi số.

+ Mức đáp ứng cơ bản: Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí từ 50 đến 75. Ở mức này, các cơ sở giáo dục đại học đã đáp ứng yêu cầu cơ bản về triển khai chuyển đổi số.

+ Mức đáp ứng tốt: Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí trên 75. Ở mức này, các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản và một số yêu cầu nâng cao về triển khai chuyển đổi số.

Một số tiêu chí điển hình của Bộ chỉ số:

  • Có triển khai phần mềm đào tạo trực tuyến (MS Team, Googel Meet, …)
  • Có triển khai hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS), hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến (LCMS).
  • Triển khai hệ thống thư viện điện tử, thư viện số
  • Triển khai chuyển đổi số công tác khảo thí: thi, kiểm tra trên máy tính, có quy chế thi, kiểm tra trên máy tính, …
  • Phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số: giảng viên khai thác được các công cụ, hệ thống để đổi mới phương thức dạy học, có thể tự xây dựng học liệu số, bài giảng điện tử, …

2.Chuyển đổi số tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng

2.1.Chuyển đổi số là việc của ai?

Mỗi cá nhân, đơn vị thành viên của Trường đều là các thực thể tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số không thể được thực hiện chỉ bởi các bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin. Tất cả các đơn vị của Trường đều phải tham gia, trong đó vai trò của người đứng đầu hết sức quan trọng.

2.2.Làm như thế nào?

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học là chuyện chưa có tiền lệ, chưa có mô hình tham khảo, nên việc nhận thức đúng là việc khó. Nhận thức đúng về chuyển đổi số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của Trường, của từng đơn vị. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải chỉ là vấn đề công nghệ, điều này quyết định sự thành công trong quá trình chuyển đổi số

2.3.Chuyển đổi số mang lại điều gì cho Nhà trường, cho người học?

Người học có nhiều cơ hội tiếp cận với việc giáo dục, đối tượng người học được mở rộng; phương pháp giảng dạy đa dạng, kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp; môi trường học có tương tác, nâng cao trải nghiệm học tập cho người học, cá nhân hóa quá trình học, nâng cao hiệu quả của hoạt động giảng dạy, hoạt động quản trị nhà trường; giảm chi phí và nâng cao chất lượng.

Cơ sở giáo dục đại học có nhiều cơ hội trong việc phân tích, tìm ra những yếu tố làm ảnh hưởng đến kết quả học tập, rèn luyện của người học, từ đó có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá, kiểm soát chất lượng, v.v… nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người học cũng như của xã hội.

Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Bởi vì, nhu cầu xã hội luôn thay đổi, nhận thức của người học luôn thay đổi, luôn có một thế hệ người học mới, nhu cầu mới, yêu cầu những trải nghiệm mới.

2.4.Nội dung thực hiện chuyển đổi số

Tư duy, nhận thức, chiến lược và tầm nhìn đóng vai trò quyết định. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi tư duy, nhận thức và năng lực quản lý; phải xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Trường để có sự chuẩn bị, đầu tư xứng tầm và quyết tâm cao.

2.4.1.Chuyển đổi số trong quản trị Nhà trường

Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đang trở thành yếu tố thúc đẩy sự thay đổi trong giáo dục đại học, tác động mạnh mẽ đến các hoạt động từ dạy-học đến quản trị. Chuyển đổi số làm thay đổi quá trình, phương thức quản trị đại học của Nhà trường.

Chuyển đổi mô hình quản trị đại học đó là phát triển mô hình quản trị đại học số. Cập nhật, tối ưu và số hóa các quy trình nghiệp vụ, đo lường kết quả, quản lý rủi ro bảo đảm thông tin được xuyên suốt giữa các cơ sở. Triển khai các ứng dụng, nền tảng phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nâng cấp thủ tục hành chính điện tử.

Ngoài việc ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, mục đích chuyển đổi số trong quản trị đại học là thông qua tư duy đổi mới cách thức, phương pháp làm việc để tiếp tục mang đến các dịch vụ, tiện ích tập trung vào người dạy, người học trước sự thay đổi của công nghệ, của áp lực đến từ cạnh tranh và đến từ thay đổi nhu cầu cũng như hành vi của con người đối với giáo dục.

2.4.2.Chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo:

Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới cá nhân hóa trong đào tạo.

Nhà trường đã và đang triển khai các quy định về dạy-học trực tuyến, trong đó ghi nhận giờ học trực tuyến, tương tác trực tuyến và khai tác kho học liệu số; áp dụng mô hình giảng dạy đổi mới, tích hợp công nghệ số vào công tác giảng dạy.

2.4.3.Chuyển đổi số trong công tác khảo thí, đảm bảo chất lượng:

Trong công tác khảo thí hướng đến việc triển khai thi trực tuyến, hệ thống chấm thi tự động và phân tích dữ liệu khảo thí; công nhận giá trị của các chứng chỉ học trực tuyến; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa.

2.4.4. Chuyển đổi số trong nghiên cứu khoa học:

Xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả nghiên cứu khoa học, số hóa các quy trình quản lý hoạt động nghiên cứu, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu trên môi trường số, …

2.4.5. Chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ:

Nhà trường hướng đến thực hiện giảm việc sử dụng tiền mặt để chuyển sang thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ cung cấp cho người học. Hầu hết các giao dịch ngân hàng và tiền tệ của người học đều thanh toán trực tuyến thông qua mã QR code. Người học thanh toán các khoản tiền học phí, lệ phí, lệ phí tuyển sinh, thi năng khiếu đều thuận tiện và an toàn.

Ngoài ra, các công cụ giao tiếp và hỗ trợ trực tuyến như chatbot, email tự động, và ứng dụng di động đã giúp nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh viên. Các chatbot có thể giải đáp các câu hỏi thường gặp của sinh viên 24/7, giảm tải công việc cho bộ phận công tác sinh viên và tăng cường sự hài lòng của sinh viên. Các ứng dụng di động cung cấp thông tin về lịch học, điểm số, thông báo quan trọng và các dịch vụ hỗ trợ khác, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận thông tin và dịch vụ của trường học một cách nhanh chóng và thuận tiện.

2.4.6.Hạ tầng công nghệ đáp ứng chuyển đối số

Hệ thống thiết bị hiện có đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại của các hệ thống phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, bao gồm: Máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị an ninh, cung cấp các kết nối internet có dây và không dây trong khuôn viên Trường, vị trí làm việc, phòng thực hành, phòng họp, phòng học, hội trường, khu vực học tập chung, v.v…

Các giải pháp bảo mật thông tin đã được triển khai như chứng chỉ số SSL cho tất cả các hệ thống máy chủ, mạng riêng ảo VPN khi kết nối từ bên ngoài đến các tài nguyên nội bộ trong Trường, hệ thống tường lửa, hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS).

Đảm bảo an toàn cho dữ liệu, quản lý quyền truy cập và bảo vệ các dữ liệu nhạy cảm. Định kỳ sao lưu các dữ liệu quan trọng trong hệ thống.

2.5.Lộ trình thực hiện

Nhà trường đã ban hành Đề án số 326/ĐA-TĐT ngày 30/01/2024 về Chuyển đổi số Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2024-2030. Các nhiệm vụ chính của đề án chuyển đổi số được chia thành 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 (đến hết năm 2026): hoàn thiện công tác tin học hóa đối với các nghiệp vụ đang triển khai, thực hiện tin học hóa các nghiệp vụ còn lại, phát triển cơ sở dữ liệu, đào tạo năng lực số. Dự kiến thực hiện trong 3 năm đầu của Đề án.
  • Giai đoạn 2 (2027-2030): thực hiện chuyển đổi số với các trọng tâm: chuyển đổi nhân lực - thể chế - chính sách, chuyển đổi hạ tầng - nền tảng, chuyển đổi ứng dụng và dịch vụ. Dự kiến thực hiện trong 3 năm tiếp theo của Đề án.

Lời kết

Trong thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là một yêu cầu tất yếu để các tổ chức và doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ mới mà còn là việc thay đổi tư duy, quy trình, và cách thức vận hành của tổ chức. Điều này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo, sự sáng tạo và linh hoạt từ nhân viên, cùng với một chiến lược rõ ràng và cụ thể.